Tâm sự nghề – Chú Lê Trí Phúc

Tâm sự nghề – Chú Lê Trí Phúc

Xin chào chú, mong chú chia sẻ đôi chút về hành trình lập nghiệp của mình.


Hành trình lập nghiệp của chú cũng bình thường như những người khác, thời tuổi trẻ học phổ thông, xem tạp chí họa báo Liên Xô lúc bấy giờ mình thấy hứng thú ,đam mê với những công trình kiến trúc xây dựng ở Liên Xô, từ đó mình phấn đấu học xong  phổ thông để thi vào học trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào năm 1966,vì trường đại học này có khoa Kiến trúc xây dựng, học được 2 năm ở khoa kiến trúc, do yêu cầu đào tạo lúc bấy giờ, chuyển một số sang học ngành xây dựng cầu đường, tôi trong số đó. Ra trường  tháng 9 năm 1971, tôi được bố trí vào một công ty xây dựng cầu đường 107 thuộc Cục Quản lý đường bộ, thời gian công tác ở đây từ khi ra trường cho đến cuối năm 1976, tôi đảm trách công tác kỹ thuật thi công trên các tuyến đường bộ như cải tạo nâng cấp, đảm bảo giao thông trong điều kiện đất nược đang có chiến tranh, thời gian này tôi đã từng tham gia thi công các tuyến đường từ Lạng Sơn cho đến Thanh hóa, khi đó không khí làm việc hết sức hăng hái, mặc dù điều kiện làm việc, ăn ở hết sức thiếu thốn, nhưng ai ai cũng cố gắng làm việc hết mình, khi đó làm việc theo chế độ bao cấp, nên không có suy nghĩ hơn thua trong công việc, kỹ luật lao động được thực hiện một cách nghiêm túc. Năm 1977 tôi được chuyển vào công tác phía Nam cho đến nay:Trong thời gian này tôi đã làm việc tại các công ty thuộc Tổng 6 như: Công ty cầu đường 1, Công ty Cầu 63, Công ty cầu 60, Công ty tư vấn thiết kế 625, đến năm 2005 tôi nghỉ hưu, sau đó tôi tiếp tục làm thêm tại tổng 6, tại Tổng 1, sau đó vào làm tại Công ty cổ phần kỹ thuật DDA từ tháng 9 năm 2010.

Cơ duyên nào đã mang chú đến với ngành xây dựng, đã giúp chú gắn bó với nghề nói chung và DDA nói riêng?

Đam mê ngành xây dựng từ khi còn là một cậu học sinh phổ thông tỉnh lẻ, thông qua tạp chí họa báo Liên Xô lúc bấy giờ, với những công trình kiến trúc đồ sộ, các tuyến đường rộng thênh thang, cùng với những kỹ sư xây dựng oai phong, kiêu hãnh, ước mơ sau này mình sẽ trở thành kỹ sư xây dựng, sẽ xây dựng những nhà cao tầng, những tuyến đường, những cây cầu đẹp tại quê hương mình, đã đưa tôi đi theo nghề xây dựng cho đến nay. Thời gian lao vào công việc tôi thấy mình càng yêu nghề hơn vì một khi hoàn thành xong một công trình mình nhìn lại rất tự hào, nhất là mỗi khi chính mình có điều kiện đến với công trình mình đã làm trước đây, xã hội phát triển, quy mô công trình xây dựng cũng phát triển theo, nên tôi vẫn có niềm ao ước được góp sức vào những công trình có quy mô rộng lớn cùng với tiêu chí kỹ thuật cao.
Đến với DDA, tôi thấy môi trường làm việc thông thoáng, chân tình, hiệu quả, song không ồn ào, DDA tuy chưa phải là nơi làm việc tuyệt vời nhất, song ở đây có sự chia sẽ chân thành giữa bạn với bạn, đồng nghiệp với đồng nghiệp, lãnh đạo với nhân viên, ngoài ra điều quan trọng hơn cả, ở DDA biết phát huy năng lực của từng nhân viên, biết tự trọng và tôn trọng.

Trong tất cả các công trình mà chú đã thực hiện, công trình nào chú tâm đắc nhất?

Công trình tâm đắc nhất là: công trình Cầu A Vương 2 trên đường Hồ Chí Minh, vì công trình này nằm trong rừng, điều kiện thi công hết sức khó khăn, phức tạp, lại phải đảm bảo tiến độ. Sau khi tiếp nhận lại của bộ phận thi công trước không đạt yêu cầu, tôi đã tổ chức thi công đạt và vượt tiến độ yêu cầu của Tổng công ty 6 đề ra ( năm 2000).

Vì sao Chú lại chọn nghề TVGS và vì sao Chú chọn DDA là nơi gắn bó lâu dài?

Thực ra đến bây giờ chú vẫn đam mê nghề thi công, vì qua thi công mới hiểu được giá trị đích thực công sức đóng góp của nghề xây dựng, song do điều kiện sức khỏe không cho phép nên thời gian sau này tôi chuyển sang lĩnh vực TVGS. Khi qua lĩnh vực này tôi thấy được nhiều vấn đề tồn tại trong thiết kế cũng như thi công hiện nay, tuy có nhiều nơi hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đạt yêu cầu, song nhà thầu thi công lại thiếu năng lực, nên rất khó khăn trong công tác quản lý chất lượng thi công, vì đã trải qua thi công nhiều, nên kinh nghiệm thi công cũng không ít. Khi làm TVGS, tôi thường xuyên kiểm soát chất lượng các hạng mục thi công một cách đúng đắn có sức thuyết phục, nên được chủ đầu tư, nhà thầu thi công chấp nhận.
Như đã nói ở trên DDA không phải là đơn vị mạnh hơn các đơn vị TVGS khác, song ở DDA có môi trường làm việc thông thoáng, có sự chia sẽ chân thành, có tình đồng nghiệp, có lòng tự trọng và tôn trọng. Đó là những yếu tố giữ chân tôi đến tận bây giờ.

Theo chú, điều gì là cần thiết nhất để một kỹ sư gắn bó với nghề?

Để gắn bó với nghề ở một người kỹ sư, trước hết người kỹ sư đó phải tự rèn luyện tư tưởng, rèn luyện kỹ năng, xác định được mục tiêu nghề mình đã và đang tham gia làm việc, có như vậy mình mới gắn bó với nghề được, nôm na phải thực sự khiêm tốn và cầu thị.

Và câu hỏi cuối cùng trong buổi trò chuyện hôm nay, Chú có muốn nhắn nhủ điều gì đối với các bạn trẻ đang làm việc ở DDA hay không?

Các bạn trẻ ,nhất là các bạn kỹ sư trẻ, các bạn được trang bị nhiều kiến thức hơn lớp già như chú, song có nhiều kiến thức trong trường  khi ra ngoài thực tế không thể vận dụng được ngay vì thời gian kiểm nhận còn ít, vì vậy các bạn kỹ sư trẻ phải va chạm thực tế, phải lao vào với công việc mình được làm, không ngại khó khăn, có như vậy mới trưởng thành và chạm ngõ thành công.

Cảm ơn chú đã đến với buổi phóng vấn và chia sẻ những trải nghiệm cùng lời khuyên bổ ích cho lớp trẻ. Chúc chú nhiều sức khỏe để cùng sát cánh với công ty DDA trên chặng đường kế tiếp.

Share this post