Tâm sự nghề – Ngô Xuân Cảnh

Tâm sự nghề – Ngô Xuân Cảnh

Có bao giờ anh em tự hỏi mình cơ duyên nào dẫn chúng ta đến với nghề xây dựng? Đôi lúc có những khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời chúng ta nhìn lại và suy ngẫm về đoạn đường chúng ta đang đi. Có những gian nan, thử thách, vấp ngã rồi lại đứng dậy mạnh mẽ . Chúng ta luôn mơ ước một ngày tươi sáng để vượt qua những thử thách trong nghề . Dưới đây là tâm sự suy nghĩ thực tế, suy tư, hoặc thậm chí ý tưởng viển vông về nghề của anh Ngô Xuân Cảnh trong nghề xây dựng, về con đường và cơ duyên đến với nghề của Anh. Mời các bạn cùng đọc để cùng cảm nhận và chia sẻ biết đâu sẽ tìm thấy sự đồng cảm trong mỗi tâm sự của Anh…

Xin chào anh Cảnh, mở đầu cho buổi phỏng vấn ngày hôm nay, anh có thể cho mọi người biết thêm về công tác Tư vấn Giám sát là như thế nào không ạ?

Công việc Tư vấn giám sát là hoạt động kiểm tra giám sát và theo dõi về chất lượng thi công, khối lượng công việc và tiến độ thực hiện công tác xây dựng, cũng như giám sát và đảm bảo an toàn lao động vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, đảm bảo công việc nhà thầu thực hiện theo đúng tiến độ theo như hợp đồng đã ký kết và phê duyệt, đảm bảo tuân thủ theo các tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật xây dựng Việt Nam.

Anh có thể cho mọi người biết về hành trình lập nghiệp của mình được không ạ?

– Nói về hành trình lập nghiệp của tôi thì hơi dài tuy nhiên cũng có thể chia sẻ và gói gọn với các bạn : Con đường lập nghiệp của tôi nó không được bằng phẳng như mọi người; Tôi xuất thân từ gia đình nhà nông nên tư tưởng và định hướng về nghề nghiệp của bản thân còn nhiều hạn chế, chỉ nghĩ cơ bản học xong cấp 3 là đi làm công nhân thôi. Nhưng may mắn cho tôi là được sự định hướng của gia đình và các anh chị đi trước, tôi được chỉ bảo để quyết tâm học hành chăm chỉ và hướng tới những ước mơ thay đổi hiện thực hóa giấc mơ học Đại học với chuyên nghành Tự Động Hóa. Sau 5 năm ngồi trên ghế nhà trường, từ ngày ra trường đến giờ tôi đã đi làm và ổn định được cuộc sống.

Vậy thưa anh, trong công việc chắc hẳn không ít khi bị áp lực, cũng như gặp khó khăn vất vả vây quanh; Những lúc như vậy ai là người anh muốn chia sẻ đầu tiên? Và anh đã làm gì để vượt qua được những điều đó?

– Có nhiều khi bế tắc, áp lực trong công việc thì với tôi bạn bè, đồng nghiệp luôn là chỗ dựa tinh thần để trao đổi tìm ra phương hướng, giải pháp để giải quyết sự việc một cách nhanh nhất. Một khía cạnh nữa không thể bỏ qua đó là gia đình, là nơi mà mỗi khi mệt mỏi tôi lại tìm về để quên đi bao tất bật, bộn bề hay phiền muộn bên ngoài, để tôi định hình lại bản thân và tiếp tục hành trình cho những công việc còn dang dở.

Được biết, Anh là một trong những nhân vật tiêu biểu đã gắn bó với DDA khá lâu cùng với những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của công ty. Anh có thể chia sẻ những kỷ niệm mà anh nhớ nhất khi làm việc nơi đây không ạ?

– Với nhiều năm gắn bó cùng Công ty, kỷ niệm có rất nhiều nhưng làm tôi nhớ nhất đó là vào dịp sinh nhật mỗi năm của Công ty, đó là thời điểm mà tất cả các anh em đồng nghiệp ở khắp nơi hội tụ về Công ty để giao lưu, nghỉ dưỡng. Những con người hàng ngày chỉ biết làm việc qua máy tính, email, điện thoại nay có cơ hội được trò chuyện, vui chơi giải trí cùng nhau. Đó thực sự là thời điểm mà tôi cảm thấy ấm cúng nhất, cảm giác ở đây như gia đình lớn của mình vậy.

Và câu hỏi cuối cùng trong buổi trò chuyện hôm nay, Anh có thể chia sẻ về những kinh nghiệm cần lưu ý khi Tư vấn giám sát để các bạn kỹ sư trẻ ngày nay có thêm kinh nghiệm không ạ ?

Về vấn đề này thì thực ra mà nói mỗi người có cái nhìn nhận riêng không ai giống ai cả, tuy nhiên với cá nhân tôi thì có thể gói gọn như sau:
– Thứ nhất việc đầu tiên các bạn cần làm đó là không ngừng học hỏi về mặt chuyên môn và đạo đức trong nghề nghiệp.
– Luôn tìm tòi, học hỏi, không dấu dốt
– Có ý chí phấn đấu – cầu tiến trong sự nghiệp.
– Chịu khó – Chăm chỉ – Nỗ lực.

Share this post